4 biện pháp quản lý đái tháo đường thai kỳ hiệu quả cho mẹ bầu

Đái tháo đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ nhưng thường gặp trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3. Nếu được quản lý tốt, tình trạng này sẽ tự khỏi sau sinh. Tuy nhiên, nếu không lưu ý và chủ quan, có khả năng mẹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình mang thai và sinh nở [1].

Dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ cần lưu ý

Đái tháo đường thai kỳ là một dạng đái tháo đường tạm thời (trong hầu hết các trường hợp) xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ lượng insulin để điều chỉnh lượng đường trong thai kỳ [5]. Đa phần, các trường hợp đái tháo đường thai kỳ sẽ không có bất cứ triệu chứng nào cụ thể [1]. Tuy nhiên, nếu cơ thể mẹ xuất hiện một số tình trạng sau, rất có thể đây là dấu hiệu đường huyết trong cơ thể đang tăng cao hơn mức bình thường: [1]

● Thường xuyên thấy khát nước

● Hay mệt mỏi, uể oải

● Khô miệng

● Đi tiểu thường xuyên

Thực tế, những triệu chứng này cũng rất thường gặp trong quá trình mang thai và không nhất thiết là do đái tháo đường thai kỳ. Do đó, các mẹ nên chú ý và tham khảo ý kiến chuyên gia để được xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai kỳ đúng thời điểm [1]. 

Ảnh hưởng đối với mẹ và bé nếu mắc đái tháo đường thai kỳ 3 tháng cuối

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Trong đó, giai đoạn 3 tháng cuối thường có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức [6]. Cụ thể, các vấn đề có thể gặp phải là [1], [2]:

Thai tăng trưởng quá mức và thai to. Điều này có thể khiến trẻ có nguy cơ bị chèn ép trong ống sinh, gây chấn thương hoặc phải can thiệp bằng biện pháp sinh mổ.

Sinh non: Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ đa ối, chuyển dạ sớm, sinh trước tuần thứ 37 của thai kỳ hoặc trước ngày dự sinh. Trẻ sinh non cũng thường kèm theo tình trạng suy hô hấp, khó thở sau sinh.

Trẻ bị hạ đường huyết sau sinh: Nếu lượng đường trong máu quá thấp, trẻ bị có thể bị co giật.

Thai lưu: Đái tháo đường thai kỳ nếu không được quản lý tốt có thể dẫn đến tình trạng sảy thai, thai lưu trước hoặc ngay sau khi sinh.

Các ảnh hưởng lâu dài: Trẻ có nguy cơ bị béo phì và mắc đái tháo đường tuýp 2 khi lớn lên.

Ảnh hưởng với mẹ bầu [2]

Ngoài việc thai quá lớn cần mổ lấy thai, thời gian hồi phục sau sinh lâu hơn, những mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong và sau quá trình sinh nở như:

● Cao huyết áp và tiền sản giật, những biến chứng nghiêm trọng cần lưu ý để tránh tình huống xấu nhất cho cả mẹ lẫn bé.

● Đối mặt với đái tháo đường trong tương lai. Tình trạng đái tháo đường có thể không tự khỏi sau sinh hoặc có thể bị tái lại trong những lần mang thai tiếp theo. Ngoài ra, khi lớn tuổi, bạn cũng có nguy cơ cao phát triển thành đái tháo đường tuýp 2.

Kế hoạch quản lý tình trạng đái tháo đường thai kỳ 3 tháng cuối

Dưới đây là một số biện pháp giúp mẹ kiểm soát đái tháo đường thai kỳ 3 tháng cuối:

Ăn uống khoa học: Duy trì chế độ ăn với các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất xơ, ít béo như trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt…, hạn chế các thực phẩm chứa chất đường bột tinh chế, các món chứa nhiều đường. Bạn cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp [7]. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc đái tháo đường. Các sản phẩm này thường có hệ đường bột tiên tiến được tiêu hóa từ từ kết hợp với axit béo MUFA giúp tăng tiết GLP-1, một loại hormone giúp giảm cảm giác thèm ăn, chậm làm trống dạ dày và đặc biệt là tăng tiết insulin giúp ổn định đường huyết. Ngoài ra, các sản phẩm này còn có chứa các dưỡng chất giúp hỗ trợ miễn dịch như vitamin A, D, E, C, B6, B12, axit folic, sắt, kẽm….

Thường xuyên tập thể dục: Vận động vừa phải 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp giảm mức đường huyết và các triệu chứng khó chịu khác trong thai kỳ [6], [7].

Dùng thuốc theo yêu cầu: Bạn có thể được chỉ định dùng insulin để kiểm soát đái tháo đường [4]. Trong trường hợp này, hãy dùng theo đúng hướng dẫn từ chuyên gia y tế.

Theo dõi chỉ số đường huyết: Mẹ cần chú ý theo dõi đường huyết thường xuyên, 4 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày (lần đầu tiên vào buổi sáng và sau mỗi bữa ăn) để đảm bảo đường huyết đang được kiểm soát tốt [7].

Nếu quản lý tốt tình trạng đái tháo đường thai kỳ 3 tháng cuối, bạn hoàn toàn có thể có một thai kỳ bình thường [1]. Việc các mẹ bầu nên làm là giữ tinh thần lạc quan, thói quen sinh hoạt lành mạnh và chú ý đến các dấu hiệu của cơ thể để thông báo kịp thời cho các chuyên gia y tế.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Overview Gestational diabetes https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/ Ngày truy cập: 12/10/2022
2. Gestational diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339 Ngày truy cập 12/10/2022
3. Glucose tolerance test https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/glucose-tolerance-test/about/pac-20394296#:~:text=The%20glucose%20tolerance%20test%2C%20also,screen%20for%20type%202%20diabetes Ngày truy cập 12/10/2022
4. Gestational Diabetes and Pregnancy https://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html Ngày truy cập: 12/10/2022
5. Gestational Diabetes https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/gestational-diabetes/ Ngày truy cập: 12/10/2022
6. Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf Ngày truy cập 13/10/2022
7. Gestational diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20355345 Ngày truy cập 13/10/2022


GLU-C-318-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan