Nhận biết đột quỵ ở người đái tháo đường qua các dấu hiệu điển hình

Nhận biết đột quỵ ở người đái tháo đường qua các dấu hiệu điển hình

Banner
Banner
Banner

Khi mắc đái tháo đường, bạn có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh tim mạch, và có thể dẫn tới đột quỵ não. Hãy bắt đầu từ các mạch máu trong cơ thể, nếu chúng ta để mức đường huyết tăng cao trong một thời gian dài, tình trạng này sẽ gây ra các tổn thương trên mạch máu. Điều này là vì cơ thể bạn không thể chuyển hóa được một cách hiệu quả như người bình thường, dẫn đến tăng lượng đường trong các tế bào hồng cầu và tình trạng này tích tụ dần trong máu. Hậu quả cuối cùng là các tổn thương mạch máu và gây hẹp mạch máu nuôi não, dẫn đến thiếu máu và thiếu các chất dinh dưỡng cung cấp cho não [1].

Vì sao người mắc đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn?

1. Cơn đột quỵ là gì?

Một cơn đột quỵ não xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc hoặc vỡ. Cơn đột quỵ này gây gián đoạn đột ngột dòng cấp máu mang oxy lên não, có thể gây ra các tổn thương ở não, và dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ đến nặng [1].

● Đau.

● Gặp vấn đề trong điều khiển hoặc biểu đạt cảm xúc, hoặc trầm cảm.

● Khó khăn trong suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra các quyết định.

● Nói đớ, nói khó hoặc không hiểu lời người khác nói.

● Mất trí nhớ.

● Mất cảm giác hoặc liệt.

● Một vài trường hợp nặng là tử vong.

2. Nguy cơ đột quỵ ở người mắc đái tháo đường?

Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 1,5 lần so với người bình thường. Và họ cũng có nguy cơ cao gấp đôi có thể bị tử vong do bệnh tim mạch và đột quỵ não so với người không mắc đái tháo đường [3].

3. Đái tháo đường gây ra đột quỵ thế nào?

Đái tháo đường ngăn cơ thể bạn chuyển hóa thức ăn một cách hiệu quả. Cơ thể bạn sẽ không thể sản xuất đủ insulin hoặc dùng insulin không đúng cách, gây ra tăng lượng đường trong máu. Dần dần qua thời gian, mức đường huyết cao trong máu gây ra các tổn thương trên mạch máu, cuối cùng gây tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nhiều người mắc đái tháo đường cũng có các vấn đề sức khỏe khác có thể dẫn tới tăng nguy cơ bị đột quỵ não như [1]:

● Thừa cân.

● Bệnh tim mạch.

● Tăng huyết áp.

● Tăng mỡ máu.

Nhận biết dấu hiệu và phương pháp chẩn đoán đột quỵ ở người mắc đái tháo đường

1. Những triệu chứng đột quỵ có liên quan đến đái tháo đường là gì?

Các triệu chứng của đột quỵ do đái tháo đường cũng tương tự như với các cơn đột quỵ não do nguyên nhân khác [3]:

● Rối loạn vận ngôn: nói đớ, nói lắp, khó phát âm so với bình thường,…

● Chóng mặt, các vấn đề về giữ thăng bằng hoặc bước đi khó khăn.

● Đau đầu đột ngột, dữ dội.

● Tri giác lơ mơ đột ngột.

● Đột ngột giảm hoặc mất thị lực, nhìn đôi.

● Yếu hoặc tê, mất cảm giác ở một bên cơ thể (ví dụ một bên mặt, một tay hoặc một chân).

Cơn đột quỵ não là một tình huống cấp cứu y khoa. Bạn cần liên hệ với nhân viên chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có bất kỳ các triệu chứng nào nghi ngờ.

2. Chẩn đoán đột quỵ như thế nào?

Nếu bạn có các triệu chứng thể hiện dấu hiệu bị đột quỵ não, chuyên gia y tế sẽ khám và đưa ra các biện pháp xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng của bạn [3]:

● Kiểm tra liệu bạn có thể cử động cơ mặt, tay hoặc chân.

● Xác định liệu bạn đang có khả năng suy nghĩ sáng suốt bằng cách hỏi các câu hỏi đơn giản hoặc yêu cầu bạn mô tả một đồ vật hoặc một bức tranh.

● Đề nghị các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như là chụp CT-scan não hoặc MRI não.

● Kết hợp các xét nghiệm khác để kiểm tra các bệnh lý đi kèm, ví dụ như điện tim, siêu âm mạch máu, siêu âm tim,…

3. Điều trị đột quỵ có liên quan đến đái tháo đường như thế nào?

Nếu cơn đột quỵ hoặc các nguy cơ đột quỵ được phát hiện sớm, những biện pháp điều trị có thể giúp ích như là [3]:

● Các thuốc làm tan cục máu đông.

● Phẫu thuật đặt stent mạch máu giúp mở lại chỗ tắc và tăng cường dòng máu nuôi não (stent động mạch cảnh).

● Phẫu thuật lấy bỏ những mảng mỡ bám trên thành động mạch (bóc nội mạc mạch cảnh).

Nếu bạn đã bị đột quỵ và mắc phải các di chứng kéo dài của nó, quá trình phục hồi có thể gồm [3]:

● Phục hồi vận động để tập luyện hồi phục các hoạt động quan trọng thường ngày, như là viết, thay đồ, vệ sinh cá nhân.

● Phục hồi chức năng để đạt lại được sức cơ và khả năng vận động ở tay hay chân.

● Tư vấn tâm lý nhằm giúp bạn đương đầu với những vấn đề sức khỏe tâm thần gây ra bởi cơn đột quỵ.

● Liệu pháp ngôn ngữ để học cách khôi phục lại khả năng nói, giao tiếp tốt hơn nếu đột quỵ gây ảnh hưởng khả năng vận ngôn.

Kiểm soát biến chứng, hạn chế đột quỵ ở người mắc đái tháo đường

1. Kế hoạch sau đó cho những người đã có cơn đột quỵ đái tháo đường

Kế hoạch theo dõi và điều trị sau cơn đột quỵ thay đổi tùy theo mỗi cá nhân cụ thể. Tùy thuộc vào loại đột quỵ và các tác động của nó, quá trình hồi phục có thể mất từ vài tuần đến vài năm. Trong đó, người mắc cơn đột quỵ nhẹ thậm chí có thể còn không cảm thấy tác động nào. Những người bị ảnh hưởng nặng hơn thì có thể phải chịu đựng các di chứng kéo dài suốt đời, họ sẽ cần thời gian nằm viện dài hơn, và có thể cần ở các cơ sở trị liệu hồi phục sau đó.

2. Giảm nguy cơ đột quỵ đái tháo đường như thế nào?

Với những người mắc đái tháo đường, những thay đổi tích cực trong lối sống và sinh hoạt có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ [3]:

● Kiểm tra đường huyết đều đặn và tuân thủ điều trị để giữ đường huyết trong ngưỡng mục tiêu.

● Kiểm tra huyết áp thường xuyên và báo cáo các triệu chứng bất thường với nhân viên chăm sóc y tế của bạn.

● Tập thể dục đều đặn.

● Duy trì giấc ngủ đủ để đảm bảo sức khỏe và năng lượng.

● Dùng thuốc đúng liều được chỉ định.

● Theo dõi và tái khám chuyên gia y tế chuyên khoa đúng lịch.

● Hạn chế muối trong khẩu phần ăn để kiểm soát huyết áp.

● Ngưng hút thuốc lá và ngưng các chế phẩm từ thuốc lá.

● Ăn uống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng để giảm mỡ và duy trì cân nặng hợp lý.

Tổng kết lại, biến chứng đột quỵ là một trong những vấn đề nghiêm trọng cần lưu ý, do những di chứng nặng nề của chúng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Mặc dù vậy, bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc các biến chứng này, cũng như là ngăn ngừa từ giai đoạn sớm nếu kiểm soát tốt đường huyết, thay đổi tích cực trong lối sống và tuân thủ điều trị.

 

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý

Nguồn tham khảo:

1. Diabetes UK. Diabetes and Stroke. Site: https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/complications/stroke
2. American Diabetes Association. Diabetes Complications: Get serious about stroke prevention. Site: https://diabetes.org/diabetes/stroke
3. Cleveland Clinic. Diabetes and Stroke. Site: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9812-diabetes-and-stroke

GLU-C-262-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan