Đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường?

Đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường?

Banner
Banner
Banner

Đường huyết sau ăn là chỉ số phản ánh sự chuyển hóa đường trong cơ thể sau bữa ăn [1]. Đây là một chỉ số có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nhất là với người mắc đái tháo đường. Việc theo dõi đường huyết sau ăn có thể góp phần phát hiện, kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường.

Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2

Thông thường, việc chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 sẽ dựa vào các xét nghiệm như: [2], [3]

● Đường huyết khi đói được xét nghiệm sau khi bạn không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (trừ nước) trong ít nhất 8 tiếng.

● Đường huyết ngẫu nhiên được xét nghiệm tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày.

● Chỉ số HbA1c: HbA1c là một loại hemoglobin (loại A1c) được gắn với glucose, giúp phản ánh nồng độ glucose trung bình trong 2 - 3 tháng trước đó.

● Đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose, giúp phản ánh cách cơ thể “xử lý” đường, được ghi nhận trước và sau 2 giờ uống dung dịch glucose.

Ngoài các chỉ số này, để phát hiện và kiểm soát đái tháo đường tuýp 2, một tiêu chí quan trọng mà bạn cũng cần quan tâm đó là đường huyết sau ăn. Đây là giá trị đường huyết được đo sau khi ăn từ 1 - 2 tiếng. Thông số này có thể giúp đánh giá sự dung nạp thức ăn, đồng thời, giúp theo dõi mức đường huyết để góp phần phát hiện cũng như quản lý đái tháo đường hiệu quả [4].

Đường huyết sau ăn bao nhiêu là bình thường?

Với những người không mắc đái tháo đường, đường huyết lúc đói thường dao động từ 70 đến 100 mg/dL. Sau khoảng 10 phút bắt đầu bữa ăn, đường huyết sẽ bắt đầu tăng và đạt mức cao nhất sau khoảng 60 phút. Thông thường, ở người bình thường không mắc đái tháo đường, đường huyết sau ăn hiếm khi vượt quá 140mg/dL và sẽ trở lại mức trước khi ăn trong vòng 2-3 giờ [1]. Như vậy, đường huyết sau ăn được xem là bình thường nếu thấp hơn 140mg/dL. Tuy nhiên, kết quả này có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, tiền sử mắc đái tháo đường, hạ đường huyết, các vấn đề sức khỏe đi kèm, các vấn đề tim mạch và các biến chứng đái tháo đường [4].

Đối với người mắc đái tháo đường, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyên bạn nên giữ mức đường huyết trước bữa ăn trong khoảng 80 đến 130 mg/dL và mức đường huyết sau khi ăn 1 - 2 giờ thấp hơn 180mg/dL [5]. Nếu đường huyết sau ăn tăng cao trên 200mg/dL thì được xem là bất thường và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều chỉnh [6].

Cách giữ đường huyết sau ăn ở mức ổn định

Để giữ đường huyết sau ăn ở mức ổn định, bạn sẽ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như thực phẩm mà mình ăn mỗi ngày. Cụ thể, khi lựa chọn thực phẩm, bạn cần lưu ý đến chỉ số đường huyết (GI) của thực phẩm. Đây là chỉ số phản ánh khả năng làm tăng đường huyết sau ăn của một loại thực phẩm so với thực phẩm chuẩn (bánh mì trắng) và được chia làm 3 mốc là thấp (<55), trung bình (56-69) và cao (>70) [6], [7].

Những thực phẩm có GI thấp thường không làm thay đổi mức đường huyết quá nhiều, trong khi thực phẩm có GI cao có thể khiến đường huyết tăng đột biến [4]. Do đó, khi chọn thực phẩm, bạn nên chọn thực phẩm có GI thấp đến trung bình hoặc có thể kết hợp thực phẩm có GI thấp với thực phẩm có GI cao để kiểm soát đường huyết [6], [7].

Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường. [6] Các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người mắc đái tháo đường thường được thiết kế khoa học với hệ bột đường tiên tiến có chỉ số đường huyết thấp, được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol, cùng công thức dinh dưỡng đầy đủ và cân đối được chứng minh lâm sàng giúp hỗ trợ ổn định đường huyết khi sử dụng lâu dài.

Bên cạnh việc lựa chọn thực phẩm, bạn cũng nên chia thời gian ăn uống hợp lý, tránh để các bữa ăn quá sát nhau hoặc có thể chia bữa ăn lớn thành nhiều bữa ăn nhỏ. Ngoài ra, đừng bỏ bữa sáng, chú ý uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, tăng cường vận động và dùng thuốc theo hướng dẫn trong trường hợp cần để kiểm soát đường huyết sau ăn hiệu quả [8].

Đường huyết sau ăn là một trong những chỉ số quan trọng, nhất là với người mắc đái tháo đường. Để đường huyết sau ăn không tăng đột biến, bạn nên lựa chọn thực phẩm phù hợp cũng như duy trì một số thói quen sinh hoạt lành mạnh nhé!

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Postprandial Blood Glucose https://diabetesjournals.org/care/article/24/4/775/23438/Postprandial-Blood-Glucose Ngày truy cập: 1/9/2022
2. Diagnosis https://diabetes.org/diabetes/a1c/diagnosis Ngày truy cập: 1/9/2022
3. Diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/diagnosis-treatment/drc-20371451 Ngày truy cập: 1/9/2022
4. Normal Blood Sugar Levels for Adults, Children, Pregnant People https://www.verywellhealth.com/blood-sugar-levels-after-eating-5118330 Ngày truy cập: 1/9/2022
5. The Big Picture: Checking Your Blood Glucose https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/checking-your-blood-sugar Ngày truy cập: 1/9/2022
6. Sống khỏe mạnh và cân bằng cùng Đái tháo đường, Nhà xuất bản Y học
7. Glycemic index and diabetes https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000941.htm Ngày truy cập: 1/9/2022
8. Natural Ways to Prevent Mealtime Sugar Spikes https://www.webmd.com/diabetes/prevent-sugar-spikes Ngày truy cập: 1/9/2022

GLU-C-245-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan