Sống khỏe cùng đái tháo đường:
5 cách giúp ổn định đường huyết

Sống khỏe cùng đái tháo đường: 5 cách giúp ổn định đường huyết
Sống khỏe cùng đái tháo đường: 5 cách giúp ổn định đường huyết
Sống khỏe cùng đái tháo đường: 5 cách giúp ổn định đường huyết

Tình trạng đường huyết dao động không ổn định ở người mắc đái tháo đường có thể gây ra nhiều hậu quả. Vì vậy, người mắc đái tháo đường cần giữ mức đường huyết trong giới hạn cho phép để sống khỏe mạnh, đồng thời trì hoãn hoặc ngăn ngừa sự xuất hiện của các biến chứng do đái tháo đường.

Nguy cơ tiềm tàng khi đường huyết mất ổn định ở người mắc đái tháo đường

Trên thực tế, đường huyết tăng hay giảm đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mắc đái tháo đường và dẫn đến nhiều biến chứng:

Biến chứng khi đường huyết tăng

Người mắc đái tháo đường nếu có mức đường huyết tăng cao, kéo dài, không được kiểm soát có thể dẫn đến [1]:

● Các vấn đề về tim mạch

● Tổn thương dây thần kinh

● Tổn thương thận hoặc suy thận

● Tổn thương các mạch máu ở võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa

● Các vấn đề ở chân như nhiễm trùng da, lở loét hoặc nghiêm trọng hơn là phải đoạn chi do đái tháo đường gây tổn thương dây thần kinh và giảm lưu lượng máu đến chân

● Các vấn đề về xương khớp

● Nhiễm trùng răng và nướu

Không những vậy, lượng đường trong máu tăng rất cao còn có thể dẫn đến nhiễm toan ceton do đái tháo đường hoặc tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết. Hai tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến hôn mê và thậm chí tử vong [1].

Biến chứng khi đường huyết giảm

Không chỉ tình trạng tăng đường huyết mới ảnh hưởng đến sức khỏe mà tình trạng hạ đường huyết cũng có thể gây nhiều biến chứng.

Nếu không được điều trị, hạ đường huyết có thể gây co giật, hôn mê và tử vong. Ngoài ra, hạ đường huyết cũng có thể gây chóng mặt, suy nhược, té ngã, tai nạn xe và làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi [2]. 

Nguyên nhân khiến đường huyết tăng hoặc giảm

Nhìn chung, chỉ số đường huyết không ổn định, quá thấp hoặc quá cao, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Chính vì vậy, người mắc đái tháo đường cần hiểu rõ nguyên nhân khiến lượng đường trong máu thay đổi để biết cách ổn định đường huyết hiệu quả [3]. Nguyên nhân gây tăng đường huyết có thể do [3]:

● Ăn nhiều thức ăn hoặc bữa ăn chứa nhiều chất đường bột hơn bình thường

● Ít vận động thể chất

● Không sử dụng đủ thuốc kiểm soát đái tháo đường

● Tác dụng phụ của một số thuốc khác

● Tình trạng nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác

● Thay đổi nồng độ hormone, chẳng hạn như trong chu kỳ kinh nguyệt

● Căng thẳng

Trong khi đó, chỉ số này có thể giảm do [3]:

● Bỏ bữa, ăn ít thức ăn hoặc ăn ít chất đường bột hơn bình thường

● Uống rượu bia, đặc biệt khi bụng đói

● Hoạt động thể chất cường độ cao, tập quá sức

● Sử dụng quá nhiều, quá liều thuốc trị đái tháo đường, đặc biệt là insulin

● Tác dụng phụ của các loại thuốc khác

● Suy các tuyến nội tiết (suy tuyến yên, suy thượng thận)

Những cách đơn giản giúp ổn định đường huyết

1. Ăn uống khoa học, lành mạnh

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định đường huyết hiệu quả. Bạn hãy tuân thủ các nguyên tắc sau khi xây dựng chế độ ăn cho người mắc đái tháo đường [9]:

● Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cân bằng cả về số lượng và chất lượng

● Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết xa bữa ăn

● Đủ năng lượng duy trì hoạt động thể lực bình thường

● Duy trì cân nặng hợp lý

● Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Việc cân đối, kiểm soát chế độ ăn uống đôi khi gây khó khăn cho người mắc đái tháo đường. Hiểu được điều này, nhiều đơn vị đã nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường có thể dùng để thay thế bữa chính hoặc dùng như bữa phụ. Các sản phẩm này thường chứa hệ bột đường tiên tiến với chỉ số đường huyết thấp và được tiêu hóa từ từ, bổ sung myo-inositol để giúp không làm đường huyết tăng cao sau khi dùng. Ngoài ra, một số sản phẩm còn được tăng cường thêm nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất và hỗn hợp chất xơ kép giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ ổn định đường huyết hiệu quả.

2. Chú ý vận động, tập luyện hợp lý

Bên cạnh chế độ ăn, hoạt động thể chất cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch quản lý đái tháo đường. Theo đó, người mắc đái tháo đường nên cố gắng dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để tập thể dục [6].

3. Dùng thuốc theo hướng dẫn

Insulin và một số loại thuốc cũng có thể được chỉ định để kiểm soát đái tháo đường [6]. Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào loại đái tháo đường mắc phải, khả năng kiểm soát đường huyết và một số yếu tố khác. Điều quan trọng là bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ định để ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc cũng như các vấn đề khác liên quan đến đái tháo đường [7]. 

4. Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Người mắc đái tháo đường thường được yêu cầu kiểm tra và ghi nhận lại chỉ số đường huyết tại nhà. Số lần xét nghiệm đường huyết mỗi ngày sẽ do chuyên gia y tế chỉ định. Theo dõi đường huyết là cách duy nhất giúp người mắc đái tháo đường chắc chắn rằng mức đường huyết của mình vẫn đang nằm trong phạm vi mục tiêu. Ngoài kiểm tra đường huyết hằng ngày, các chuyên gia cũng khuyên người mắc đái tháo đường nên làm xét nghiệm HbA1c định kỳ [8].

5. Duy trì lối sống khoa học

Ngoài những cách kể trên, bạn cũng cần duy trì một lối sống khoa học, bỏ các thói quen xấu, nhất là uống rượu bia quá mức bởi rượu bia có thể làm thay đổi nồng độ đường huyết [6], [8]. Bên cạnh đó, như đã đề cập, căng thẳng cũng là một trong những nguyên nhân khiến đường huyết mất ổn định. Vì vậy, bạn nên giảm căng thẳng bằng cách học các kỹ thuật thư giãn và ngủ nhiều hơn [8].

Đường huyết dù tăng cao hay giảm thấp đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, người mắc đái tháo đường cần thực hiện các biện pháp nhằm ổn định đường huyết như xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, dùng thuốc theo hướng dẫn, kiểm tra đường huyết thường xuyên, duy trì lối sống khoa học… 

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Hyperglycemia in diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperglycemia/symptoms-causes/syc-20373631
2. Hypoglycemia https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20373685
3. All About Blood Glucose https://professional.diabetes.org/sites/professional.diabetes.org/files/media/All_about_Blood_Glucose.pdf
4. Diabetes: An Overview https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7104-diabetes-mellitus-an-overview
5. Manage Blood Sugar https://www.cdc.gov/diabetes/managing/manage-blood-sugar.html
6. Diabetes management: How lifestyle, daily routine affect blood sugar https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-management/art-20047963
7. Insulin, Medicines, & Other Diabetes Treatments https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/insulin-medicines-treatments
8. Diabetes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/diagnosis-treatment/drc-20371451
9. Hướng dẫn điều trị Đái tháo đường típ 2 của Bộ Y tế: https://benhvienbaria.com/sites/default/files/files/tin-tuc/5481_dai_thao_duong_type_2.pdf


GLU-C-314-22

Bài viết liên quan