Tác động của việc rối loạn ăn uống lên người mắc đái tháo đường

Tác động của việc rối loạn ăn uống lên người mắc đái tháo đường

Banner
Banner
Banner

Nhiều người đái tháo đường có thể có những rối loạn ăn uống, hay nói nhẹ nhàng là có những “mối quan hệ không tốt” với thức ăn. Vấn đề này sẽ có khả năng dẫn tới tình trạng được các chuyên gia gọi là rối loạn hành vi ăn uống hoặc thậm chí có thể là bệnh lý về rối loạn ăn uống [1].

Tìm hiểu chi tiết về các vấn đề rối loạn ăn uống liên quan đến đái tháo đường

1. Mức độ thường gặp của các rối loạn ăn uống này?

Người ta ước tính rằng đến 30% số bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1 có rối loạn về ăn uống. Các dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy từ 5% – 9% các bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 2 có rối loạn cảm giác thèm ăn vô độ [1].

2. Làm thế nào để nhận biết các rối loạn ăn uống này ở người mắc đái tháo đường?

Nếu bạn đang lo lắng rằng mình có các rối loạn ăn uống kể trên, điều quan trọng là cần nhận biết các dấu hiệu cảnh báo để từ đó bạn có thể tìm đến những nguồn hỗ trợ phù hợp đúng thời điểm. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy người mắc đái tháo đường đang có rối loạn ăn uống và cần lưu ý [2]:  

● Tăng HbA1C hoặc đường huyết dao động lên xuống quá nhiều.

● Mắc các cơn tăng đường huyết nhiễm toan ceton.

● Cảm giác thèm ăn vô độ (ăn rất nhiều thức ăn thường xuyên và mất cảm giác kiểm soát thèm ăn).

● Giấu diếm quá trình điều trị đái tháo đường của bản thân.

● Cố gắng giảm cân bằng cách làm cơ thể bị ốm hoặc giới hạn lượng insulin sử dụng.

● Sợ lên cân và lo lắng về hình ảnh cơ thể.

● Lo âu và trầm cảm.

● Sợ các cơn hạ đường huyết.

● Lo âu quá mức về tình trạng đái tháo đường.

● Cảm giác tội lỗi, xấu hổ hoặc phán xét về thói quen ăn uống, mức đường huyết và cân nặng hoặc hình ảnh cơ thể.

● Chối bỏ mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và tình trạng bệnh.

● Tập thể dục quá nhiều mà không ăn uống đủ để cân bằng nhu cầu năng lượng.

Những nguyên nhân khả dĩ của các rối loạn ăn uống khi mắc đái tháo đường là gì?

Nguyên nhân của các rối loạn ăn uống này khá phức tạp và có thể thay đổi tùy theo mỗi người. Người mắc đái tháo đường có thể cảm thấy trầm cảm và ăn uống vô độ để tự an ủi bản thân, hoặc vài người có thể bị vướng vào cảm giác thèm ăn vì những áp lực từ những người xung quanh [2]. Bạn có thể cảm thấy:

● Không hạnh phúc với cơ thể của chính mình.

● Mất kiểm soát cuộc sống của mình.

● Đái tháo đường đang ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn.

● Trầm cảm và lo âu.

● Bị áp lực và bị kiểm soát bởi những người khác về vấn đề thức ăn.

● Quá quan tâm đến vấn đề kiểm soát mức đường huyết.

Các rối loạn ăn uống có thể ảnh hưởng lên cơ thể người mắc đái tháo đường như thế nào?

1. Tác động ngắn hạn

Ăn quá nhiều có thể khiến mức đường huyết lên quá cao. Tình trạng này được gọi là cơn tăng đường huyết, những cơn này có thể khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi và gây ra các cơn đau đầu. Vấn đề tăng đường huyết lại có thể trở nên trầm trọng hơn đối với những người mắc đái tháo đường đang sử dụng insulin, trong đó nếu sử dụng insulin liều quá thấp có thể khiến mức đường huyết tăng quá cao. Và tình trạng này có thể nhanh chóng dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa tính mạng, ví dụ như nhiễm toan ceton. Trong những trường hợp này, bạn sẽ cần điều trị cấp cứu [2].

Mặt khác, ăn uống vô độ không phải là vấn đề duy nhất, ví dụ như ăn kiêng quá mức khiến sụt quá nhiều cân nặng lại cũng có thể khiến xương và cơ yếu hơn, điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động thể chất của bạn. Nếu bạn cố gắng tự làm mình nôn để tránh lên cân, bạn có thể đang gây tổn thương cho sức khỏe răng miệng bởi có nhiều acid trong chất nôn và chúng sẽ gây hại cho răng và nướu của bạn [2].

2. Tác động dài hạn

Việc ăn uống không kiểm soát sẽ dẫn đến bị tăng đường huyết kéo dài, vấn đề này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng các mạch máu. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng ở những nơi khác như là bàn chân, mắt và tim [2].

Bạn có thể vượt qua được những vấn đề này bằng cách nào?

Điều này sẽ không hề dễ dàng nhưng đọc và tìm hiểu kỹ các thông tin chuẩn xác về các rối loạn ăn uống, điều chỉnh trong thực đơn ăn uống hằng ngày sẽ giúp bạn hiểu rõ được vấn đề của chính bản thân mình đang khúc mắc ở đâu, và có những bước đi phù hợp để vượt qua tình trạng này.

1. Trò chuyện với những người mắc đái tháo đường khác

Bạn không một mình trong chuyện này. Bạn có thể liên lạc với các hội nhóm người đái tháo đường khác, có thể từ các bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhà, hoặc các nhóm trên mạng xã hội. Hoặc nếu bạn có bạn bè hoặc người thân đang gặp phải các vấn đề này, bạn có thể trò chuyện và hướng dẫn họ đến các nguồn hỗ trợ cần thiết.

2. Tham vấn với chuyên viên y tế

Dù là bạn đã được chẩn đoán mắc rối loạn ăn uống hoặc đang nghi ngờ bản thân bị mắc các chứng này, bạn nên tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế hoặc chuyên viên dinh dưỡng về hỗ trợ người mắc đái tháo đường. Chia sẻ suy nghĩ của mình với họ, các chuyên gia y tế không hề phán xét về cách suy nghĩ của bạn, và sẽ cùng bạn lên kế hoạch điều chỉnh các rối loạn ăn uống của mình. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể bạn sẽ cần được tư vấn bởi chuyên viên tâm lý, người sẽ giúp đưa ra những lời khuyên và sự trợ giúp cần thiết như là các buổi trị liệu hoặc thuốc hỗ trợ.

3. Viết nhật ký thức ăn

Giữ một cuốn nhật ký, ghi lại cảm xúc và cả những thức ăn bạn ăn, thực đơn ăn uống hằng ngày. Điều này có thể có ích trong việc giúp bạn hiểu rõ thói quen ăn uống của bản thân, và những cảm xúc cá nhân liên quan đến thức ăn. Đây là cách tuyệt vời để theo dõi những gì bạn đã ăn và tác động của chúng lên tâm trạng và tình trạng đái tháo đường của bạn. Bạn cũng nên mang theo nhật ký này khi tái khám với chuyên gia y tế chuyên khoa, họ sẽ có thêm các thông tin hữu ích để lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

4. Thay đổi hoặc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khoa học

Một bước cũng quan trọng không kém trong việc điều chỉnh các rối loạn ăn uống đó là nhận biết và thay đổi những thói quen ăn uống không tốt cho việc kiểm soát đái tháo đường, cũng như là có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chung của bạn.

Bạn nên cố gắng lựa chọn các loại thức ăn phù hợp với khẩu vị của bản thân, thực đơn phù hợp cho người đái tháo đường mà vẫn đảm bảo đủ yếu tố dinh dưỡng và góp phần hỗ trợ kiểm soát tốt đường huyết của chính mình. Các lựa chọn này bao gồm thực phẩm giàu chất xơ, rau xanh, cá, các nguồn đạm thực vật, dầu olive,… Hoặc người mắc đái tháo đường cũng có thể sử dụng thêm sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho người mắc đái tháo đường sẽ giúp cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối với hệ bột đường tiên tiến tiêu hóa từ từ và được bổ sung myo-inositol không làm đường huyết tăng nhanh, từ đó giúp hỗ trợ kiểm soát đường huyết hiệu quả. Sản phẩm này cũng được bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh và hỗn hợp chất béo giàu axit béo không no một nối đôi (MUFA) và axit béo không no nhiều nối đôi (PUFA) tốt cho tim mạch.

Bạn cũng nên tránh các thức ăn được chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo hay thức ăn được chiên hoặc rán, cũng như là các loại thức ăn vặt chứa nhiều đường như kẹo, nước ngọt hay nước ép trái cây.

Đái tháo đường và thức ăn luôn có liên quan mật thiết với nhau. Khi mắc đái tháo đường thường khiến bạn hướng sự chú ý nhiều hơn về chế độ ăn, cân nặng và hình dáng cơ thể, nên không ngạc nhiên khi có nhiều người mắc đái tháo đường có thể bắt đầu có cảm giác tiêu cực về thức ăn. Những vấn đề rối loạn ăn uống này thực ra thường gặp hơn bạn nghĩ – và chắc chắn bạn không cô đơn trong chuyện này. Tuy nhiên, nắm rõ các nguyên tắc lựa chọn thực phẩm có lợi và có ý thức trong việc kiểm soát chế độ ăn của bản thân, gồm cả số lượng và loại thực phẩm, sẽ giúp bạn vượt qua được các rối loạn về ăn uống và kiểm soát tốt hơn tình trạng đái tháo đường của bản thân.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:

1. Winston AP. Eating Disorders and Diabetes. Curr Diab Rep. 2020 Jun 15;20(8):32. doi: 10.1007/s11892-020-01320-0. PMID: 32537669. Site: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32537669/
2. Diabetes UK. Eating Disorder and Diabetes. Site: https://www.diabetes.org.uk/guide-to-diabetes/emotions/eating-disorders-and-diabetes   
3. NIH – National Institute Diabetes and Digestive and Kidney Diabetes. Eating Disorder and the Patient with Diabetes. Site: https://www.niddk.nih.gov/health-information/professionals/diabetes-discoveries-practice/eating-disorders-and-the-patient-with-diabetes

GLU-C-259-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan