BỆNH LÝ BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BỆNH LÝ BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

 

Banner
Banner
Banner

Khi bạn mắc đái tháo đường, đường huyết cao kéo dài hay không được kiểm soát tốt sẽ gây ra tổn thương trên các sợi thần kinh, tình trạng này được gọi là tổn thương thần kinh do đái tháo đường. Có 4 loại tổn thương chính, và bạn có thể mắc một hoặc nhiều loại cùng lúc. Hầu hết các tổn thương thần kinh này tiến triển dần dần, và bạn có thể sẽ không để ý các triệu chứng cho đến khi đã có các tổn thương trên sợi thần kinh [1].

Các loại biến chứng thần kinh do đái tháo đường

1. Bệnh thần kinh ngoại biên

Đây là dạng phổ biến nhất của tổn thương thần kinh do đái tháo đường. Bàn chân và bàn tay của bạn sẽ là những cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên, theo sau đó sẽ lan lên cánh tay cẳng chân. Các dấu hiệu và triệu chứng thường bao gồm [1]:

● Tê bì hoặc giảm khả năng cảm nhận đau hoặc các thay đổi nhiệt độ, đặc biệt ở bàn chân và các ngón chân.

● Cảm giác nóng rát hoặc tê rần ở đầu chi.

● Cảm giác đau chói, nhói mạnh, mà có thể nặng hơn vào ban đêm.

● Nhạy cảm đặc biệt với cảm giác sờ chạm – với một vài người thậm chí một tờ giấy nhẹ đè lên da cũng gây đau.

● Yếu cơ.

● Mất đáp ứng phản xạ.

● Ở một số trường hợp nghiêm trọng, có thể có các vấn đề nặng nề khác ở bàn chân, ví dụ như vết loét, nhiễm trùng, biến dạng, và tổn thương khớp hoặc xương.

 

2. Bệnh thần kinh hệ thần kinh tự chủ

Hệ thần kinh tự chủ điều khiển huyết áp, tần số tim, các tuyến mồ hôi, mắt, bàng quang, hệ tiêu hóa và cơ quan sinh dục. Đái tháo đường có thể ảnh hưởng lên các sợi thần kinh của bất kỳ vùng nào trong số này, và có khả năng gây ra các triệu chứng tùy vào cơ quan mà hệ thần kinh ở đó bị ảnh hưởng, như là [1]:

● Mất nhận biết (không nhận biết được các triệu chứng) khi bị hạ đường huyết.

● Các vấn đề ở bàng quang, bao gồm nhiễm trùng tiểu tái đi tái lại, tiểu không tự chủ hay són tiểu (mất điều khiển trương lực cơ thắt bàng quang), hoặc cảm giác tiểu sót (mất cảm giác làm trống bàng quang).

● Táo bón, tiêu chảy không kiểm soát hoặc rối loạn đi tiêu xen kẽ cả hai vấn đề này.

● Nuốt khó.

● Khó tiêu (tốc độ làm trống dạ dày chậm, còn gọi là chứng liệt dạ dày), gây buồn nôn, nôn ói, cảm giác no lâu và mất cảm giác thèm ăn.

● Tụt huyết áp khi đứng lên đột ngột từ vị trí đang ngồi hoặc nằm, có thể gây ra chóng mặt hoặc thậm chí ngất (chứng hạ huyết áp tư thế).

● Mất khả năng điều chỉnh khi thay đổi nhìn từ xa lại gần hay từ vùng sáng qua vùng tối (do đồng tử mất phản xạ với ánh sáng, bóng tối).

● Tăng hoặc giảm tiết mồ hôi bất thường.

● Các vấn đề về hoạt động tình dục, như là khô âm đạo ở nữ hoặc rối loạn cương dương ở nam.

 

3. Bệnh đám rối – rễ thần kinh

Loại tổn thương này thường ảnh hưởng lên các sợi thần kinh ở đùi, hông, lỗ hậu môn và cẳng chân. Tình trạng này cũng ảnh hưởng vùng bụng và ngực. Các triệu chứng thường ở một bên của cơ thể, nhưng cũng có thể lan qua phần bên kia. Bệnh đám rối – rễ thần kinh có thể có các triệu chứng sau [1]:

● Đau nhiều ở vùng lỗ hậu môn, hông hoặc đùi.

● Yếu hoặc teo cơ đùi.

● Đứng dậy khó khăn từ tư thế ngồi.

● Đau cơ thành ngực hoặc thành bụng.

 

4. Bệnh đơn thần kinh (bệnh thần kinh khu trú)

Bệnh đơn thần kinh là những tổn thương với một sợi thần kinh cụ thể. Sợi thần kinh này có thể ở mặt, vùng thân, cánh tay hoặc chân. Bệnh đơn thần kinh có thể dẫn đến [1]:

● Khó nhìn tập trung hoặc nhìn đôi.

● Liệt ở một bên mặt.

● Tê bì hoặc tê rần ở bàn tay, ngón tay.

● Yếu cơ bàn tay, có thể bị rớt đồ khi cầm nắm.

● Đau ở vùng cẳng chân trước hoặc bàn chân.

● Yếu cơ gây khó nâng bàn chân (triệu chứng bàn chân rớt).

● Đau ở vùng trước đùi.

Các nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh ngoại biên

Nguyên nhân chính xác của mỗi loại tổn thương thần kinh vẫn chưa được tìm ra. Theo các nhà nghiên cứu, qua thời gian, đường huyết cao không kiểm soát gây tổn thương các sợi thần kinh và gây ảnh hưởng đến khả năng gửi tín hiệu của chúng, dẫn đến tổn thương thần kinh do đái tháo đường. Đường huyết cao cũng làm yếu thành các mạch máu (mao mạch) mà cung cấp oxy và dinh dưỡng cho các sợi thần kinh này [1].

Ngăn ngừa các biến chứng thần kinh do đái tháo đường

Bạn có thể ngăn ngừa và trì hoãn tổn thương thần kinh và những biến chứng của nó bằng cách kiểm soát đường huyết chặt chẽ và chăm sóc bàn chân cẩn thận.

 

Kiểm soát đường huyết

Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo rằng những người mắc đái tháo đường cần được kiểm tra HbA1c ít nhất 2 lần mỗi năm. Xét nghiệm này giúp đánh giá đường huyết của bạn trong suốt 2 – 3 tháng vừa qua [3].

Mức HbA1c có thể cần được cá thể hóa, nhưng với đa số các trường hợp, ADA khuyến cáo mức HbA1c mục tiêu là thấp hơn 7%. Nếu đường huyết của bạn cao hơn mức mục tiêu, bạn có thể sẽ cần những điều chỉnh trong chế độ điều trị hằng ngày, như là thêm các loại thuốc cần thiết hoặc thay đổi chế độ ăn và tập luyện [3].

 

Chăm sóc bàn chân

Các vấn đề ở bàn chân, bao gồm vết trợt không lành, các vết loét và thậm chí đoạn chi, là những biến chứng thường gặp của bệnh thần kinh do đái tháo đường. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng này qua kiểm tra và thăm khám bàn chân kỹ với chuyên gia y tế hằng năm. Tự theo dõi và chăm sóc tại nhà cũng góp phần không nhỏ vào ngăn ngừa các biến chứng ở bàn chân do đái tháo đường [2]:

Kiểm tra bàn chân bạn hằng ngày: xem có vết trợt, loét, vết cắt, bầm hoặc nứt da, hay bất kỳ tổn thương da nào ở bàn chân. Có thể dùng một cái gương hoặc nhờ người thân xem những vùng da khó quan sát.

Giữ bàn chân sạch và khô: rửa và lau sạch chân hằng ngày. Lau khô sau khi vệ sinh. Không ngâm chân lâu.

Giữ ẩm bàn chân: điều này giúp ngăn ngừa nứt da. Không bôi lotion giữa các ngón chân, do có thể tăng tình trạng nhiễm nấm da.

Cắt móng chân cẩn thận: cắt vừa đủ và dũa tròn các góc móng, không để tổn thương thêm vào da chân.

Đi vớ sạch, khô: dùng các loại vớ làm từ sợi vải hoặc sợi dễ thoát hơi nước, không có dải băng chặt hoặc lớp đệm dày.

Đi giày hoặc các loại sandal vừa với chân: đi giày hoặc dép có mũi bít để bảo vệ bàn chân. Lựa cỡ giày phù hợp, vừa đủ với bàn chân.

 

Nhìn chung, tùy thuộc vào vị trí thần kinh bị tổn thương, các triệu chứng của tổn thương thần kinh ngoại biên do đái tháo đường có thể rất đa dạng, và thay đổi từ có thể rất nhẹ, dễ bị bỏ qua đến các triệu chứng nặng nề hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Người mắc đái tháo đường hoàn toàn có thể ngăn ngừa các biến chứng này bằng cách tuân thủ tốt chế độ điều trị và theo dõi, duy trì lối sống năng động, lựa chọn chế độ ăn phù hợp và theo dõi định kỳ với các chuyên gia y tế để có thể phát hiện sớm các vấn đề tổn thương thần kinh nếu có nhằm có những biện pháp can thiệp phù hợp.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Mayo Clinic. Diabetic Neuropathy. Site: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20371580
2. Healthline. Everything You Should Know About Diabetic Neuropathy. Site: https://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/diabetic-neuropathy
3. American Diabetes Association. Retinopathy, Neuropathy, and Foot Care: Standards of Medical Care in Diabetes—2022. Site: https://diabetesjournals.org/care/article/45/Supplement_1/S185/138917/12-Retinopathy-Neuropathy-and-Foot-Care-Standards

GLU-C-301-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan