Hạ đường huyết
ở người mắc
đái tháo đường và
cách phòng tránh

Hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường và cách phòng tránh
Hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường và cách phòng tránh
Hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường và cách phòng tránh

Cơn hạ đường huyết xảy ra khi người mắc đái tháo đường không có đủ đường trong máu của họ. Đường là nguồn năng lượng chính của cơ thể và não của bạn, nên các cơ quan sẽ không thể hoạt động bình thường được nếu bạn không có đủ năng lượng [1].

Tìm hiểu về cơn hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường

1. Cơn hạ đường huyết là gì?

Cơn hạ đường huyết là khi mức đường huyết dưới 4 mmol/L (70 mg/dL). Ở những người già yếu thì ngưỡng này có thể là 6 mmol/L (100 mg/dL), theo hướng dẫn điều trị McKellar [2].

Cơn hạ đường huyết có thể được phân thành cơn nhẹ và nặng, tùy theo mức độ triệu chứng và ngưỡng đường huyết của người mắc đái tháo đường.

2. Những ai có nguy cơ bị cơn hạ đường huyết?

Những người mắc đái tháo đường cần tiêm insulin hoặc đang dùng một số loại thuốc hạ đường huyết (như là nhóm sulphonylureas) là những người có nguy cơ mắc cơn hạ đường huyết [2].

Có những tình trạng bệnh lý khác mà có thể khiến cơ thể một người tạo ra quá nhiều insulin và có các triệu chứng hạ đường huyết, thậm chí cả khi họ không dùng insulin hoặc các loại thuốc hạ đường huyết [2].

3. Các nguyên nhân gây cơn hạ đường huyết

Nhiều loại hoạt động hoặc có các yếu tố có thể gây mức đường huyết bị hạ quá mức ở những người mắc đái tháo đường. Những nguyên nhân thường gặp nhất là [3]:

● Dùng quá liều insulin hoặc thuốc đái tháo đường đường uống.

● Tập thể dục hoặc hoạt động thể lực quá mức so với ngày thường.

● Bỏ bữa hoặc ăn không đủ năng lượng.

● Đã giảm cân và không còn cần liều insulin như cũ hay liều thuốc uống như cũ.


Những triệu chứng khi bị hạ đường huyết

1. Triệu chứng và dấu hiệu cảnh báo sớm [3]

● Mặt nhợt nhạt.

● Run rẩy.

● Chóng mặt, xây xẩm.

● Đổ mồ hôi.

● Cảm giác đói hoặc buồn nôn.

● Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

● Khó tập trung.

● Cảm giác yếu hoặc không có năng lượng (mệt mỏi).

● Cảm giác kích thích hoặc lo lắng.

● Đau đầu.

● Tê rần hoặc mất cảm giác ở môi, lưỡi hoặc má.

2. Triệu chứng và dấu hiệu ban đêm [3]

Nếu cơn hạ đường huyết xảy ra khi bạn đang ngủ, các dấu hiệu và triệu chứng có thể tác động lên giấc ngủ của bạn, bao gồm:

● Tấm trải giường hoặc đồ ngủ thấm ướt mồ hôi.

● Gặp các cơn ác mộng.

● Cảm giác mệt mỏi, kích thích hoặc lờ đờ, lú lẫn khi thức giấc.

3. Triệu chứng và dấu hiệu nặng [3]

Nếu cơn hạ đường huyết không được điều trị, các dấu hiệu và triệu chứng có thể ngày càng nặng hơn và có thể bao gồm:

● Lú lẫn, hành vi bất thường hoặc cả hai triệu chứng này, ví dụ như là không thể thực hiện các hoạt động cá nhân thường ngày.

● Mất phối hợp động tác.

● Khó nói hoặc nói lắp, nói đớ.

● Thị trường bị mờ hoặc thị trường thu hẹp hình ống.

● Không thể ăn hoặc uống.

● Yếu cơ.

● Ngủ gà.

Hạ đường huyết nặng có thể gây ra:

● Cơn rung giật cơ hoặc động kinh.

● Mất ý thức.

● Tử vong (hiếm khi xảy ra).

Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo mỗi người, và tùy mỗi cơn khác nhau. Vài người thậm chí còn không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Việc bạn không có bất kỳ triệu chứng nào của cơn hạ đường huyết là cũng có thể xảy ra. Điều quan trọng là cần theo dõi mức đường huyết của bạn thường xuyên và để ý các cảm giác của bạn khi mức đường huyết bị hạ thấp.


Đề phòng hạ đường huyết đối với người mắc đái tháo đường.

1. Ngăn ngừa cơn hạ đường huyết

● Lưu ý các loại thuốc có nguy cơ gây cơn hạ đường huyết, như là: insulin, gliclazide, glimepiride, glipizide, …

● Theo dõi đường huyết. Tùy vào chế độ điều trị của bạn, có thể bạn sẽ cần kiểm tra mức đường huyết nhiều lần trong một tuần hoặc nhiều lần trong một ngày. Cẩn thận theo dõi mức đường huyết là cách duy nhất giúp bạn giữ được mức đường huyết của bản thân trong giới hạn mục tiêu.

● Đừng bỏ bữa (dù là bữa chính hay bữa phụ). Nếu bạn đang dùng insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường, kiên định với lượng thức ăn mỗi bữa và thời gian dùng bữa trong ngày. Nếu quá bận rộn, bạn có thể lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt dành cho người đái tháo đường với mức năng lượng chuẩn, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối để có thể sử dụng thay thế hoàn toàn cho bữa chính hoặc dùng như bữa ăn phụ.

● Lưu ý kỹ về liều thuốc đang sử dụng và dùng thuốc đúng giờ. Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

● Điều chỉnh thuốc đang dùng và dùng thêm bữa phụ bổ sung nếu bạn tăng mức độ hoạt động thể lực lên so với bình thường. Những điều chỉnh về thuốc và thức ăn này phụ thuộc vào kết quả thử đường huyết, loại thuốc và kiểu thời gian tác động của thuốc, và phải được tham vấn bởi bác sĩ. Hãy cố gắng đảm bảo tuân thủ kế hoạch điều trị của bạn.

● Nhớ dùng bữa hoặc thức ăn kèm thêm, nếu bạn có dùng đồ uống có cồn. Uống rượu khi bụng đói có thể gây ra cơn hạ đường huyết. Cồn cũng có thể gây ra cơn hạ đường huyết trì hoãn nhiều giờ sau đó, khiến cho việc theo dõi mức đường huyết lại càng quan trọng hơn.

● Ghi chú lại các phản ứng của chính bạn khi có cơn hạ đường huyết. Điều này giúp bạn và cả các nhân viên y tế chăm sóc cho bạn có thể xác định được các dấu hiệu cảnh báo của các cơn này và lên kế hoạch ngăn ngừa chúng.

2. Thẻ thông tin y khoa cá nhân

Nên mang theo thẻ thông báo cho biết tình trạng đái tháo đường của bạn. Để trong các trường hợp cấp cứu, người khác có thể biết rằng bạn có mắc đái tháo đường và có những biện pháp cấp cứu phù hợp.

3. Xử trí cơn hạ đường huyết nhẹ [1], [2]

Trong trường hợp hạ đường huyết nhẹ, bạn có thể tự xử lý được tình huống một mình. Nếu mức đường huyết từ 70 mg/dL trở lên và người bị hạ đường huyết vẫn còn có thể ăn uống được, chúng ta có thể thực hiện tuần tự các bước sau:

Bước 1: Ăn liền 15 – 20 g đường, ví dụ như là:

● 6 – 7 viên kẹo dẻo cỡ nhỏ

● 100 – 120 mL (1/2 cốc cỡ vừa) nước tăng lực

● 150 – 200 mL (1 cốc cỡ vừa) nước ngọt hoặc nước ép trái cây

● 3 thìa nhỏ đường hoặc mật ong

Kiểm tra lại đường huyết của bạn sau 15 phút.

Bước 2: Nếu mức đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL, lặp lại bước 1 và đo lại đường huyết sau 15 phút.

Bước 3: Một khi mức đường huyết trên 70 mg/dL:

● Nếu bữa ăn tiếp theo của bạn cách xa trên một giờ, hãy ăn một bữa phụ với thức ăn có chứa chất đường bột như là miếng trái cây, lát bánh mì, bánh quy nướng, một ly sữa hoặc một hũ sữa chua.

● Nếu đã đến đúng bữa, lưu ý rằng bữa ăn này có chứa chất đường bột

Việc này sẽ giúp bạn duy trì mức đường huyết không bị hạ. Sau khi xử trí thành công cơn hạ đường huyết, bạn cần kiểm tra mức đường huyết của mình thường xuyên hơn.

4. Xử trí cơn hạ đường huyết nặng (có thể mất ý thức) [1], [2]

Trong những trường hợp này, người bị hạ đường huyết không thể tự xử trí trường hợp và cần hỗ trợ của người khác. Hãy gọi cấp cứu hoặc liên hệ nhân viên y tế ngay lập tức. Nếu người bị hạ đường huyết không thể nuốt hay làm theo hướng dẫn, không cho họ ăn hay uống bất cứ gì qua đường miệng

Nhìn chung, trong suốt cả ngày, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mức đường huyết của bạn sẽ thay đổi. Điều này là hoàn toàn bình thường nếu mức đường huyết trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý những triệu chứng của cơn hạ đường huyết để xử trí kịp thời, và hãy nhớ luôn tuân thủ chế độ điều trị cùng với chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể dục hợp lý để có thể duy trì mức đường huyết ổn định, nhằm tránh các biến chứng không mong muốn của đái tháo đường.

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. American Diabetes Association. Hypoglycemia. Site: https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hypoglycemia
2. Better Health Channel. Hypoglycemia. Site: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/hypoglycaemia
3. Mayo Clinic. Diabetic Hypoglycemia. Site: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-hypoglycemia/symptoms-causes/syc-20371525

GLU-C-303-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan