Dấu hiệu cảnh báo tiền đái tháo đường bạn nên biết

Dấu hiệu cảnh báo tiền đái tháo đường bạn nên biết

Banner
Banner
Banner

Dấu hiệu tiền đái tháo đường thường không rõ ràng nên khá khó để nhận biết sớm. Nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này hoặc nhận thấy có triệu chứng bất thường nghi ngờ liên quan đến đái tháo đường, hãy đi khám để được chẩn đoán và có phương án chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Tiền đái tháo đường (hay tiền tiểu đường) là tình trạng trung gian giữa bình thường và đái tháo đường tuýp 2. Khi đó, nồng độ đường (glucose) trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt đến tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường [1].

Dấu hiệu thường gặp của tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường thường không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào nên khó để nhận biết [3], [4]. Một dấu hiệu có thể nhìn thấy được là xuất hiện các vùng da sẫm màu trên một số bộ phận cơ thể, hay gặp ở cổ, nách và bẹn [3]. Một số dấu hiệu khác có thể gặp phải ở người tiền đái tháo đường là: [5]

● Xuất hiện mụn thịt dư trên da

● Thay đổi về thị giác

Các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy tiền đái tháo đường có khả năng đã tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 gồm: [3]

● Tăng cảm giác khát nước

● Thường xuyên đi tiểu

● Tăng cảm giác đói

● Mệt mỏi

● Nhìn mờ

● Tê hoặc cảm thấy châm chích ở bàn chân hay bàn tay

● Dễ bị nhiễm trùng

● Vết thương lâu lành

● Sụt cân ngoài ý muốn

Cách chẩn đoán tiền đái tháo đường

Những xét nghiệm kiểm tra đường huyết giúp chẩn đoán tiền đái tháo đường gồm: [1], [2]

● Xét nghiệm HbA1C

● Xét nghiệm đường huyết lúc đói

● Thử nghiệm dung nạp glucose đường uống

Trẻ em cũng được khuyến cáo làm xét nghiệm tiền đái tháo đường khi bị thừa cân, béo phì hay có yếu tố nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 như: [2]

● Tiền sử gia đình mắc đái tháo đường tuýp 2

● Nhẹ cân lúc sinh

● Có mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ

Nếu phát hiện mình đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường thì không có nghĩa là tình trạng này sẽ tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2. Bạn có thể ngăn ngừa điều đó bằng cách tuân theo hướng dẫn của chuyên gia y tế và thay đổi lối sống [4].

Tổng hợp 5 cách kiểm soát tiền đái tháo đường

1. Thay đổi chế độ ăn phù hợp

Đối với người thừa cân, béo phì, việc can thiệp bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực thường xuyên đóng vai trò then chốt để ngăn ngừa tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2. Các khuyến cáo về chế độ ăn bao gồm: [1]

● Giảm năng lượng, giảm chất béo để giảm số cân nặng dần dần nếu có thừa cân, béo phì.

● Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp.

● Lựa chọn thực phẩm chứa chất béo không no (dầu thực vật, cá).

● Hạn chế ăn thịt đỏ, đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường, thức ăn chứa chất béo bão hòa (mỡ động vật).

Với người không thừa cân, béo phì chỉ cần thay đổi trong việc lựa chọn thực phẩm mà không cần cố gắng giảm cân [1]. Ngày nay, một số sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cho dành người mắc đái tháo đường có năng lượng chuẩn cùng hệ dưỡng chất hợp lý chứa hệ bột đường tiên tiến, bổ sung myo-inositol sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng cân đối và đầy đủ để góp phần giúp kiểm soát tốt đường huyết và hỗ trợ ổn định đường huyết khi sử dụng lâu dài.

2. Hoạt động thể chất

Người tiền đái tháo đường cần duy trì hoạt động thể lực với mục đích tiêu hao khoảng 700 Kcal/ tuần, tương đương mức độ tập luyện cường độ trung bình 150 phút/ tuần. Việc tập luyện giúp tăng độ nhạy insulin, cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng sức bền và làm chậm diễn tiến tiền đái tháo đường đến đái tháo đường tuýp 2 [1].

3. Giảm cân

Người thừa cân chỉ cần giảm bớt 5-7% trọng lượng cơ thể thì có thể giảm đáng kể nguy cơ bị đái tháo đường tuýp 2. Để giữ cân nặng ổn định, bạn cần điều chỉnh để có một chế độ ăn uống và luyện tập thể dục hợp lý [2].

4. Bỏ thuốc lá

Ngừng hút thuốc giúp cải thiện hoạt động của insulin, từ đó cải thiện lượng đường trong máu [2].

5. Dùng thuốc khi cần thiết

Nếu có nguy cơ cao mắc đái tháo đường, bạn có thể được cho dùng thuốc metformin [2]. Thuốc thường được kê đơn sau khi đã áp dụng chế độ ăn và luyện tập nhưng không kiểm soát được đường huyết hiệu quả [1].

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng tiền đái tháo đường thường không rõ ràng nên khó để nhận biết [3], [4]. Do đó, việc chẩn đoán thường sẽ dựa trên kết quả của các xét nghiệm cho biết nồng độ đường huyết. Việc phát hiện sớm và can thiệp thay đổi lối sống sẽ giúp ngăn ngừa tiền đái tháo đường phát triển thành đái tháo đường tuýp 2 cũng như giảm tỉ lệ gặp các biến chứng liên quan đến tăng đường huyết [1], [2].

*Đây là các thông tin tổng quan. Người đọc và người áp dụng cần tự đánh giá và điều chỉnh phù hợp. Luôn tham vấn và tuân thủ các hướng dẫn của chuyên gia y tế để có chế độ tập luyện và ăn uống phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh lý.

Nguồn tham khảo:
1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường. https://kcb.vn/upload/2005611/20210723/a2e237f006ad3d2b1074cb444ba6b2ae3087_QD-BYT_Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tien-dai-thao-duong-1.pdf (1656kb) Ngày truy cập 06/9/2022.
2. Prediabetes.Diagnosis & Treatment. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/diagnosis-treatment/drc-20355284. Ngày truy cập 06/9/2022.
3. Prediabetes. Symptoms & Causes https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/symptoms-causes/syc-20355278. Ngày truy cập 06/9/2022.
4. With prediabetes, action is the best medicine. https://www.diabetes.org/diabetes/prediabetes. Ngày truy cập 06/9/2022.
5. Prediabetes. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21498-prediabetes#symptoms-and-causes. Ngày truy cập 06/9/2022.

GLU-C-239-22

 Gợi ý sản phẩm​

Bài viết liên quan